G I Á O X T H Á N H T Â M

Loading

CHỈNH TRANG ĐẤT THÁNH GIÁO XỨ - MỘT MÔ HÌNH HAY ĐỂ THAM KHẢO

CHỈNH TRANG ĐẤT THÁNH GIÁO XỨ - MỘT MÔ HÌNH HAY ĐỂ THAM KHẢO
06.02.2024 Lượt xem: 961

Cuối năm 1954, ngay khi trại Thánh Tâm được thành lập, đất thánh của giáo xứ Thánh Tâm - Lộc Tiến, giáo hạt Bảo Lộc, giáo phận Đà Lạt cũng được hình thành ngay tại vị trí hiện nay (sau đây gọi là nghĩa trang), tính đến nay vừa đúng 70 năm. Từ đó đến nay, mảnh đất này là nơi an nghỉ cuối cùng của tất cả những người con trong giáo xứ đã được Chúa gọi về. Cách đây nhiều năm, nhận thấy qũy đất không còn nhiều để có thể chôn cất các ngôi mộ trong thời gian tới, việc mở rộng nghĩa trang là không khả thi vì xung quanh đã kín người ở, ngay cả việc hỏa táng cũng khó khăn, tốn kém do thành phố Bảo Lộc hiện chưa có lò thiêu, muốn thiêu xác thì phải di chuyển hơn 120km lên Đà Lạt vừa tốn kém, vừa mất nhiều thời gian, công sức.
Vì thế, việc tái quy hoạch, chỉnh trang là cấp thiết nhằm vào các mục tiêu chính: làm sao phải có chỗ mới để an vị cho các ngôi mộ cũ, từ đó sẽ có đất trống để chôn các ngôi mộ trong tương lai, cũng như phải tạo ra một bộ mặt nghĩa trang mới hiện đại, phù hợp với xu thế hiện nay. Để giải quyết các vấn đề nêu trên, nhiều câu hỏi được đặt ra: kinh phí ở đâu, mô hình làm như thế nào, làm sao để có sự đồng thuận, thống nhất trong giáo xứ…?

Hình tổng quan nghĩa trang giáo xứ trước đây
Ảnh: Nguyễn Phi Dzũng


Đến năm 2018, sau quá trình tham khảo, học tập kinh nghiệm nhiều nơi, Cha quản xứ Phao Lô Dương Công Hồ đưa ra phương án và mô hình để giải quyết các vấn đề nêu trên, phương án được sự ủng hộ và đồng thuận của Hội đồng mục vụ, bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ đang có thân nhân an nghỉ tại đây. Sau một thời gian chuẩn bị, với sự quyết tâm của Cha quản xứ, Hội đồng mục vụ, toàn thể bà con giáo dân, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền sở tại. Quá trình chỉnh trang được khởi công vào ngày 02 tháng 01 năm 2019, khởi đầu với việc xây dựng mới khu tường bao xung quang nghĩa trang lên cao, phân chia thành nhiều phân khu, mỗi phân khu lại chia thành nhiều hộc nhỏ để lấy chỗ an vị cho các mộ sẽ cải táng lên, khu này được gọi là nhà hài cốt (khu C hay khu chung cư), kế đó là quá trình cải táng cho khoảng 1600 ngôi mộ để an vị tại vị trí mới xây ở nhà hài cốt, sau đó san ủi đất cho phẳng, làm lối đi, trồng cỏ tạo không gian, đặt tượng Đức Mẹ tại vị trí trung tâm khu bên phải hướng từ ngoài quốc lộ đi vào (khu B), sau này đặt tiếp tượng thánh cả Giuse ở vị trí trung tâm khu bên trái hướng từ ngoài quốc lộ đi vào (khu A). Trong suốt quá trình cải táng, hàng ngày đều có sự hiện diện của cha Quản xứ tại công trường để giám sát, đôn đốc, động viên tinh thần, kịp thời giải quyết các khó khăn mới phát sinh, cũng như rất đông bà con giáo dân có thân nhân đang an nghỉ tại đây và những người tình nguyện đến hỗ trợ để công việc sớm được hoàn thành. Sau gần một năm thi công đến ngày 08 tháng 12 năm 2019 thì quá trình chỉnh trang hoàn thành và được Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, giám mục chính tòa giáo phận về làm lễ khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ.

Hình cha quản xứ Phao Lô Dương Công Hồ tại công trường
Ảnh: Khương Duy Hoàng

Sau quá trình chỉnh trang, nghĩa trang giáo xứ mang một bộ mới: khoảng 1600 ngôi mộ cũ đã được an vị tại nhà hài cốt ở khu C, hai khu đất trống ra sau quá trình cải táng là khu A và khu B giờ đây có khoảng 2100 vị trí để chôn mới, ngoài ra khu C cũng còn sức chứa cho khoảng 2000 vị trí nữa, tổng cộng sau quá trình chỉnh trang có thêm 4100 vị trí mới đủ cho việc chôn cất của giáo xứ trong vài chục năm tiếp theo. Theo quy định chôn cất hiện nay, tất cả các ngôi mộ đều được chôn ở khu A theo thứ tự mất trước chôn trước, mất sau chôn sau, các mộ đều giống nhau, chỉ lấp đất bằng mặt không xây xi măng, trồng cỏ bên trên và đặt bia phía trước mỗi ngôi mộ. Việc không xây mộ mang lại giá trị nhân văn rất cao: nơi đây người giàu cũng như người nghèo đều giống nhau, việc này giúp tiết kiệm rất nhiều của cải cho các gia đình và xã hội, tránh việc ganh đua không cần thiết khi xây dựng các ngôi mộ, cũng như làm cho nghĩa trang được đẹp đẽ, hiện đại gần gũi với thiên nhiên và xu thế chung của thời đại.

Hình khu A, khu chôn cất hiện nay vào ban đêm
Ảnh: Khương Duy Hoàng

Trước đây nghĩa trang không có bờ tường bao bọc xung quanh, nay đã được bao bọc bằng những bức tường kiên cố, ngăn cách riêng biệt với khu dân cư và đường đi, trên tường rào được bố trí bóng đèn để chiếu sáng vào ban đêm giúp mọi người đến cầu nguyện an tâm, thuận lợi cho việc di chuyển của người dân ngang qua nghĩa trang không phải lo lắng như trước. Ngày nay, tượng đài Đức Mẹ và thánh cả Giuse được đặt ngay trung tâm mỗi khu tạo điểm nhấn chính cho nghĩa trang, phía trước mỗi tượng đài đều bố trí khu vực để mọi người đến tập trung cầu nguyện, xung quanh là lối đi đến các phân khu trong nghĩa trang giúp việc di chuyển nội bộ được dễ dàng và thuận lợi.

Hình tổng quan nghĩa trang sau quá trình chỉnh trang
Ảnh: Khương Duy Hoàng

Sau quá trình chỉnh trang, giáo xứ cũng xây dựng một phần mềm để quản lý thông tin các ngôi mộ tại nghĩa trang, giúp cho việc quản lý được chặt chẽ, nhanh chóng và thuận lợi, đây cũng là nơi lưu gữi nhiều thông tin, hình ảnh liên quan đến nghĩa trang, cũng như giúp cho tìm kiếm thân nhân tại đây một cách đơn giản, nhanh chóng, khi truy cập vào đường dẫn: https://nghiatrangthanhtam.vn/
Để nghĩa trang giáo xứ được như hôm nay, công đầu phải kể đến là của cha quản xứ Phao Lô Dương Công Hồ, người khởi xướng, chịu trách nhiệm chính trong suốt quá trình thi công, Hội đồng mục vụ khóa 10 và 11, toàn thể bà con giáo dân, ân nhân trong và ngoài giáo xứ đã cộng tác, giúp đỡ để công trình được hoàn thành và phát triển như hôm nay.
Hiện tại, quá trình đô thị hóa nhanh, quỹ đất dành cho việc chôn cất tại nhiều giáo xứ cạn kiệt dần, nghĩa trang của nhiều giáo xứ trong cũng như ngoài giáo phận đều trong tình cảnh tương tự như nghĩa trang giáo xứ Thánh Tâm trước đây. Thiết nghĩ đây cũng là một mô hình hay để các nơi tham khảo, học tập kinh nghiệm trong việc lập quy hoạch, chỉnh trang lại nghĩa trang của giáo xứ mình.


Bài: Đa Minh Nguyễn Đình Trị 
 

BẢN ĐỒ HOTLINE Zalo